Trước khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã đến và sống ở Sài Gòn. Trong thời gian đó, Người ở tại trụ sở của Liên Thành phân cuộc – một cơ sở của Liên Thành thương quán ở số 1 – 2 – 3 Quai Testart – Chợ Lớn, đến năm 1915 được đổi thành đường Tổng Đốc Phương và nay là đường Châu Văn Liêm. Nay một trong ba căn nhà trên đã trở thành di tích lưu niệm về Hồ Chí Minh, đó là nhà số 5 Châu Văn Liêm, phường 14 quận 5.
Sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, Người sớm có lòng yêu nước từ nhỏ. Trước hoàn cảnh đất nước vào những năm đầu thế kỷ 20, các phong trào đấu tranh của các sĩ phu yêu nước đều bị thất bại. Người đã luôn trăn trở về con đường cứu nước. Mặc dù Người luôn khâm phục các lãnh tụ của các phong trào yêu nước đương thời như: Đề Thám, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu nhưng Người không tán thành cách làm của người nào. Người đã quyết định vào Sài Gòn để tìm cách ra nước ngoài tìm đường cứu nước.
Sau một thời gian dạy học ở trường Dục Thanh – Phan Thiết, ngày 19/9/1910, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc ấy mang tên Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn, cùng đi có cụ Trương Gia Mô và Hồ Tá Bang.
Tới Sài Gòn với giấy tờ mang tên Văn Ba, Người được đưa đến ở nhà ông Lê Văn Đạt ở số 185/1 đường Dumortier Xóm Cầu Rạch Bần (nay là đường Cô Bắc – Q1). Hai ngày sau, Người được đưa đến ở tại trụ sở của Liên Thành Thương Quán số 1, 2, 3 Quai Testart. Nguyễn Tất Thành đã ở đây đến tháng 6/1911. Trong thời gian này, Người vừa dạy học vừa đi làm ở trường Thợ Máy (École des Méscaniciens), vừa đi bán báo ở khu vực thương cảng để kiếm sống và tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động, cũng như các tàu ra vào Cảng Sài Gòn.
Ngày 4/6/1911 Nguyễn Tất Thành với tên Văn Ba đã rời Liên Thành thương quán xuống tàu của Pháp mang tên Amiral Latouche Treville. Ngày 5/6/1911, tàu rời cảng Nhà Rồng đưa người thanh niên Việt Nam yêu nước ra đi tìm con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Kể từ sau năm 1911, căn nhà nơi Nguyễn Tất Thành ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước đã qua nhiều đời chủ. Sau năm 1975, với ý thức tổn tồn di tích lịch sử, quận 5 đã giữ lại một căn, sửa chữa lại và sưu tập những tài liệu hiện vật, hình ảnh có liên quan đến Người để làm di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch.
Đến năm 1997, di tích được trùng tu lại khang trang và đẹp hơn để làm địa điểm sinh hoạt, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Di tích là một căn nhà phố, có cửa sắt kéo, rộng 4m, dài 8,8m, có một tầng lầu, nền lót gạch bông, mái lợp ngói âm dương, trần có la-phông bằng ván ép. Từ nền nhà đến trần cao 3m, chiều cao tầng lầu 4m, từ nóc đến mái cao 1m. Cầu thang lên lầu bằng gỗ. Tầng trệt di tích đặt bàn thờ Hồ Chí Minh. Trên lầu 1 trưng bày một số hình ảnh liên quan đến Liên Thành thương quán, hình ảnh Sài Gòn thời 1910-1911…
Hiện nay di tích luôn được mở cửa để đón khách đến tham quan. Vào những ngày lễ lớn, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, ngày Người ra đi tìm đường cứu nước 5/6… đông đảo cán bộ công chức, công nhân, nhân dân lao động trong quận đến dâng hoa tưởng nhớ Người và tham quan di tích.