Miếu Quan Đế (Nghĩa An hội quán), tức chùa Ông, tọa lạc tại số 678 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.
Miếu vốn là hội quán của bang Triều Châu, do người Triều Châu và người Hẹ ở Triều Châu sang Việt Nam sinh sống thành lập. Không rõ miếu được xây dựng năm nào, có lẽ muộn nhất là đầu thế kỷ XIX, vì khoảng năm 1818, khi viết về chợ Sài Gòn xưa trong sách “Gia Định thành thống chí”, Trịnh Hoài Đức đã nhắc đến hội quán Triều Châu: “Đầu phía Bắc đường lớn có miếu Quan Thánh và ba hội quán Phúc Châu, Quảng Đông và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu… Hễ gặp tiết đẹp đêm trăng, các ngày tam nguyên, sóc vọng thì treo đèn, đặt án, đua tranh kỳ xảo…”.
Văn bia chạm trên vách miếu cho biết miếu đã được trùng tu lớn 4 lần vào các năm 1866, 1901, 1966 và lần trùng tu mới nhất là vào năm 1984.
Như phần lớn các đền miếu của người Hoa, miếu có kiến trúc tổng thể hình chữ “quốc”. Sân miếu khá rộng, gần hai ngàn mét vuông, chiếm hơn phân nửa diện tích khuôn viên. Phần còn lại gồm tiền điện, sân thiên tỉnh, nhà hương, chính điện và văn phòng hội quán dọc hai bên các điện thờ.
Kiến trúc và trang trí ở miếu thể hiện rõ nét phong cách Trung Hoa qua thiết kế, qua các tượng, phù điêu bằng gốm trên mái ngói hay các bông hoa chạm ngược, tượng kỳ lân, diềm gỗ… trên bộ vì kèo sơn màu đỏ thắm…Mái chia gồm 3 cấp: cấp mái chính cao ở giữa, 2 cấp mái phụ thấp hơn ở 2 bên. Ngói lợp mái màu xanh lục.
Từ hai cổng lớn vào đến cửa miếu có năm cặp kỳ lân lớn nhỏ bằng đá đặt đối xứng nhau. Đẹp hơn cả có lẽ là cặp “lân hàm châu” (lân ngậm ngọc) chầu hai bên cửa. Phía trên, trước biển chữ “Nghĩa An hội quán” treo bức nghi môn làm năm 1903 chạm nổi cảnh “Lục Quốc phong tướng”. Trên vách mặt tiền hai bên cửa miếu chạm chìm các chữ Hán và sáu bức chạm cành trúc khác nhau, là những tác phẩm chạm khắc đá giá trị.
Nội thất miếu trang nghiêm với những cột gỗ cao treo câu đối, những bao lam cửa chạm hai mặt, bao lam khám thờ, khám thờ… chạm trổ tinh tế từ những điển tích Trung Hoa đến những sinh hoạt đời thường như: gánh nước, đốn củi…, những con vật trong tứ linh xen lẫn tôm, cua, cá, mực… Chính điện miếu, giữa có gian thờ Quan Thánh đế quân trang trí bao lam lưỡng long tranh châu. Tượng Quan Đế cao 300cm, mặc áo gấm xanh, ngồi trên ngai, đặt trong khám thờ chạm viền nhiều lớp tùng – hạc, mai – điểu, mẫu đơn – trĩ, Bát tiên giao chiến thủy quái… Đứng hầu hai bên trước bệ thờ là tượng Quan Bình và Châu Xương cao gần 200cm, đặt trong tủ kính.
Hai bên tả hữu có gian thờ Thiên Hậu nguyên quân và Tài Bạch tinh quân (Thần Tài) bài trí giống nhau với bao lam phụng hoàng và khám thờ chạm cảnh vinh qui bái tổ, đánh cờ, chèo thuyền, giăng lưới, mục đồng cưỡi trâu, mai điểu, trúc điểu… Tượng Bà Thiên Hậu bằng gỗ cao 60cm, ngồi trên ghế chạm, theo hầu Bà có hai thị nữ và hai vị Thiên lý nhãn, Thuận phong nhĩ. Thần Tài được thể hiện bằng tượng gỗ, cao 60cm, cũng ngồi trên ghế chạm đầu rồng, hai bên có Chiêu Tài và đồng tử đứng hầu.
Sát hai bên góc tường đặt hai bộ chuông trống đối xứng nhau. Chuông bên trái bằng gang, đúc ở Phật Trấn – Quảng Đông vào năm Canh Tuất (1850). Chuông còn lại làm bằng hợp kim, có chạm nổi hàng chữ “Gia Định tỉnh, Minh Hương xã, Tân Trường Châu, Nghĩa An hội quán…” (chuông do Tân Trường Châu cúng, được đúc trong khoảng năm 1836 đến 1867).
Từ hồ phóng sinh nhìn về khu điện thờ
Ngoài gian thờ ở chính điện, còn có bàn thờ Quan Đế ở trung điện, đặt trước bàn thờ Văn Xương đế quân tức Khổng Tử, người đứng đầu Nho giáo. Tượng Quan Đế cao 80cm bằng gỗ thiếp vàng, được làm cách nay hơn một trăm năm.
Chính giữa tiền điện bày một hương án, trên đặt chiếc lư hương bằng đồng làm vào năm Đạo Quang thứ 5 (1825). Chuông cao 39cm, đường kính 46cm, hai bên đúc hai đầu lân, đường nét tinh xảo, phía trước có hàng chữ “Quan Thánh Đế Quân”. Hai bên tiền điện bài trí hai gian thờ đối mặt với chính điện. Phúc Đức chính thần (Thần Đất) và hai người hầu được thờ ở gian bên trái. Góc bên phải có tượng Mã Đầu tướng quân cao 200cm, tay cầm dây cương ngựa Xích Thố, được đánh giá là tượng đẹp hơn cả trong số các tượng ngựa Xích Thố với dáng ngẩng cao đầu độc đáo.
Miếu chủ yếu thờ Quan Công, người được xem là “vạn cổ nhất nhân” (xưa nay chỉ có một) và 1 vài vị thần khác. Quan Đế là vị thần được thờ chính nên phần lớn trong hơn 50 hoành phi, câu đối chạm chữ Hán rất mỹ thuật đều có nội dung ca ngợi ông như: “Vạn cổ tinh huy” (Sao sáng muôn đời), “Thiên cổ nhất nhân” (Người xưa nay chỉ có một) hay:
Nghĩa khí trung tâm nguy nguy đế đức tham thiên địa
An Lưu tá Hán hách hách thần uy quán cổ kim
Tạm dịch:
Khí nghĩa lòng trung, đức ngài cao sánh trời đất
Giúp Lưu, phò Hán, uy thần lừng lẫy bao đời
Hàng năm, ở miếu có 2 lễ cúng lớn là lễ cúng Quan Đế được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 âm lịch, là lễ cúng quan trọng nhất và cúng rằm tháng giêng. Ngoài ra, còn có những ngày cúng khác: cúng Lưu Bị, Quan Vũ, cúng Bà Thiên Hậu…
Là 1 di tích đánh dấu sự hiện diện của người Hoa gốc Triều Châu, có giá trị về nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật chạm đá và nghệ thuật chạm gỗ nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, miếu Quan Đế thu hút đông đảo người Hoa và cả người Việt đến chiêm bái. Ngày 7/11/1993, Bộ Văn hóa đã có quyết định số 43-VH/QĐ công nhận miếu là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia./.
Từ ngoài sân bước qua cổng là tiền điện.
Tượng sành hình lưỡng long tranh châu độc đáo.
Bên phải chính điện – gian thờ Thiên Hậu nguyên quân (tức Thiên Hậu Thánh mẫu)
Tượng Quan Thánh đế quân được làm bằng thạch cao sơn màu.