Trước đây, trong năm người dân tự chọn ngày tốt rồi đến lế bái các Vua Hùng chứ không định ngày. Thời điểm đông nhất thường rơi vào các tháng xuân – thu. Người dân tại địa phương thì lấy ngày 11 tháng 3 âm lịch, kết hợp với thời Thổ kỳ, làm lễ riêng.
Nhận thấy thời gian lễ bái thường kéo dài liên miên, vừa tốn kém tiền của lại không bày tỏ được rõ lòng thành kính, không tập hợp được lòng dân, Tuần phủ Phú Thọ ông Lê Trung Ngọc vào năm 1917 (niên hiệu Khải Định năm thứ nhất) đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định lệ lấy ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm để nhân dân cả nước kính tế Quốc tổ Hùng Vương, trước một ngày so với ngày hội tế của dân xã bản hạt. Đồng thời, ông cũng xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương vào các kỳ tế lễ mùa thu.
Sau đó, Bộ Lễ đã ban hành chính thức định lệ ngày Quốc lễ Giổ Tổ Hùng Vương là ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch và quy định nghi thức, nghi lễ, lễ vật tế Tổ hằng năm.
Vào mùa xuân năm 1923, Hội đồng kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập và dựng lại đền Thượng – Khu di tích đền Hùng tấm bia “Hùng miếu điển lệ bi”.
Nội dung trên tấm bia: “Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng Mười tháng Ba. Chiều ngày mồng Chín tháng Ba hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…”
Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 22/LCT đưa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch hàng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc.
Ngày 06/12/2012 “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của Nhân loại”
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta hãy cùng nhau giữ lấy nước”
(Chủ tịch Hồ Chí Minh – 1954)
* Một số địa điểm thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại Thành phố Hồ Chí Minh:
- Đền thờ Hùng Vương tại Thảo Cầm Viên, Quận 1:
Ngôi đền này được xây dựng khoảng năm 1930 – 1932, với kiến trúc và hoa văn trang trí trên kiến trúc đẹp truỳen thống phương Đông. Trước 30/4/1975, ngôi đền do Hội Khổng Tử ở Sài Gòn quản lý, mới đầu thờ Khổng Tử sau đó thờ Hùng Vương. Từ sau năm 1975, ngôi đền này do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh quản lý.
- Đền thờ Hùng Vương tại Công viên Tao Đàn, Quận 1
Đền được Thành phố xây năm 1998, kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, mái đền lợp ngói, hai bên bậc lên xuống có đôi rồng, hai bên cửa đền có hai tượng Hộ Pháp (thần bảo hộ đền). Phía trong có thờ tượng Hùng Vương. Ở trước sân có trụ đá thể.
- Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại số 166/3 đường Đoàn Văn Bơ, Quận 4: Trong đền thờ tượng Quốc Tổ Hùng Vương được thể hiện ngồi trên ngai, hai bên có lạc hầu và lạc tướng, phía trên khám thờ có bức hoành phi.
- Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại số 22/93 đường Trần Bình Trọng, Quận 5
Đền được xây dựng trước năm 1970, thờ Hùng Vương với tượng Vua Hùng, bên phải có tượng Lạc hầu, bên trái có tượng Lạc tướng và thờ tượng Quốc Mẫu Âu Cơ. Đồng thời, tại đền thờ còn có bức tranh phác họa cổng đền Hùng ở Phú Thọ.
- Đền Hùng Vương tại số 261/3 đường Cô Giang, Quận Phú Nhuận
Trong đền thờ tượng Quốc Tổ Hùng Vương ngồi tren ngai thờ có bao lam đặc trưng Nam bộ, bên phải, bên trái Vua Hùng có tượng lạc hầu, lạc tướng cùng ngồi trên ngai, nhưng kích thước nhỏ hơn.
- Tổ Đình Quốc Tổ Lạc Hồng tại số 94 đường Nguyễn Thái Sơn, Quận Gò Vấp
Trước năm 1965 nơi đây thờ Di Lặc (Tòa Di Lặc), sau này đã đổi thành Tổ Đình Quốc Tổ Lạc Hồng, có tượng thờ Thánh Mẫu Âu Cơ và Lạc Long Quân, hàng năm tổ chức trang trọng lễ giỗ tổ Hùng Vương, có đông Hội viên của các tỉnh lân cận cùng tham gia
- Khu tưởng niệm các Vua Hùng phường Long Bình, Thành phố Thủ Đức
Công trình được xây dựng từ năm 2002 – 2009, tọa lạc trên một quả đồi cao hơn 20m, tại Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc rọng hơn 400 ha. Bên trong có đền Thờ Quốc tổ Hùng Vương, phối thờ với Tổ phụ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ, Đất và Nước.
Hai bên là 8 gian thờ Lạc Hầu, Lạc Tướng, Lạc Dân, Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, An Dương Vương, Trưng Nữ Vương… Hai bên đền thờ là dãy hành lang trưng bày bia 33 khối đá chủ quyền quần đảo Trường Sa do Bộ Tư lệnh hải quân trao tặng. Trên mặt tường bên trong đền vẽ các bức tranh mô tả lại cuộc sông của những cư dân trong buổi đầu dựng nước.
Nguồn: Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh; Báo Thanh niên, trang điện tử Công viên lịch sử – Văn hóa dân tộc TP. Hồ Chí Minh (Nguồn tài liệu tham khảo)